Thời điểm hiện tại vẫn là giai đoạn vàng để phục hồi ngành du lịch. Đối với những khu nghỉ dưỡng cận kề với Hà Nội vẫn là lựa chọn hàng đầu cho thủ đô với nhiều lựa chọn hấp dẫn mang tính lâu dài.
Du lịch nghỉ dưỡng lên ngôi
Dù thời gian chính thức của mùa du lịch đã qua, song đến thời điểm hiện tại, nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng ở mọi người vẫn tăng cao, đặc biệt là khu vực thành phố Hà Nội vẫn ghi nhận tìm đến các khu như Sóc Sơn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hoà Bình, Ba Vì.
Cứ mỗi cuối tuần, tình trạng các homestay hay resort nghỉ dưỡng ở ven đô đều trong tình trạng phủ trên 50% số lượng thuê nghỉ. Đặc biệt dịp nghỉ lễ dài 2/9 vừa qua cho thấy sức hút về du lịch nghỉ dưỡng vẫn ở mức rất cao.
Theo Anh Kiên, một người quản lý tại công ty với quy mô 300 nhân sự chia sẻ: “Mùa hè là dịp các công ty tổ chức những buổi du lịch cho nhân viên, vừa nghỉ ngơi, thư giãn và cũng để xốc lại tinh thần sau hai năm dịch bệnh. Tuy nhiên, thay vì cảnh hàng trăm người chen chúc trên bãi biển chơi team building dưới cái nắng gay gắt thì chúng tôi lựa chọn các resort 4 đến 5 sao ở vùng núi để nhân viên có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi đúng nghĩa”.
Có thể thấy, nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng và tái tạo năng lượng của người dân Thủ đô sau đại dịch là rất lớn. Theo đó, du lịch ven đô “lên ngôi” với những sức hút riêng có mà không cần phải di chuyển quá xa, lại tránh được cảnh đông đúc tại sân bay, bãi biển hay các điểm tham quan du lịch.
Chính vì vậy, các khu vực có vị trí càng kề cận với Hà Nội, có kết nối giao thông thuận tiện và nhiều điều kiện phát triển sẽ thu hút được số lượng người đến không hề nhỏ.
Phú Thọ – “trạm sạc xanh” cho người dân Thủ đô
Theo khảo sát của các tổ chức uy tín về du lịch được thực hiện gần đây, đa số người trả lời cho biết với mỗi chuyến đi, họ hướng đến 3 nhóm nhu cầu cơ bản gồm: nhu cầu hoà mình vào thiên nhiên; nhu cầu gắn kết với gia đình, bạn bè và digital detox (giảm thời gian cho những thiết bị công nghệ); nhu cầu sống cân bằng, nạp năng lượng sau thời gian làm việc căng thẳng.
Do đó, thay vì du lịch xa 2 – 3 lần mỗi năm thì người dân Thủ đô chọn những địa điểm gần để được nghỉ dưỡng thường xuyên hơn, tần suất từ 2 tuần đến 1 tháng/lần.
Trong số những điểm đến quen thuộc, Phú Thọ được yêu thích hơn cả nhờ cảnh sắc thiên nhiên vừa nên thơ vừa hùng vĩ, nền văn hoá Hoà Bình độc đáo với vị trí chỉ cách Hà Nội trên dưới 1 giờ di chuyển bằng xe ô tô.
Ngành du lịch Phú Thọ luôn định hướng mục tiêu là phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất Tổ. Phú Thọ là điểm đến của 3 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận bao gồm Hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và Ca trù, đây là tính độc đáo và hấp dẫn để tạo sự chú ý, sức thu hút đối với khách du lịch. Đồng thời du lịch Phú Thọ đã xây dựng thương hiệu du lịch “Phú Thọ – Về với cội nguồn dân tộc” để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Bên cạnh đó, Phú Thọ có một nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và hấp dẫn như: Vườn quốc gia Xuân Sơn; khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy; đồi chè Long Cốc, đồi chè Mỹ Thuận, đầm Ao Châu, đầm Vân Hội, thác Mơ… là những thắng cảnh tự nhiên non nước hữu tình trên mảnh đất trung du.
Song song, ngành du lịch sẽ chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng người dân địa phương tích cực tham gia hoạt động du lịch, xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện, mến khách.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch hơn nữa trong thời gian tới, Phú Thọ tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, con người Phú Thọ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; phấn đấu đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương là một kế hoạch lâu dài và bền vững